Nuôi tôm sẽ là ngành kinh doanh có điều kiện

Cập nhật Tháng Năm 19, 2017

Thời gian tới, người dân muốn được nuôi tôm phải có diện tích nuôi tối thiểu từ 2.000 mét vuông trở lên và bên cạnh đó phải có từ 15-20% diện tích ao lắng.

Hiện Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy ý kiến cho dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về nuôi tôm, theo đó, ngoài những quy định về diện tích tối thiếu, phải có ao lắng thì dự thảo cũng đề cấp đến những vấn đề như cấm sử dụng các loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, không xả nước thải sinh hoạt vào nguồn nước đang cấp vào ao nuôi và ao đang nuôi….

Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay những quy định này đã là một phần bắt buộc phải có trong nuôi trồng thủy sản như tôm, cá tra song người dân lại không muốn thực hiện, đặc biệt là ao lắng để xử lý nước cho tôm.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, cho biết, mặc dù trước đây cơ quan quản lý thủy sản, các chuyên gia các viện nghiên cứu thủy sản luôn khuyến cáo người nuôi tôm phải có ao lắng để có nguồn nước ao toàn cho con tôm, nhưng vào thời điểm đó môi trường nước còn tốt nên người dân lấy trực tiếp để nuôi tôm vẫn an toàn.

Ngoài ra, theo ông Nhiệm, để có ao lắng thì phải bỏ ra một diện tích khá lớn, do đó, người dân cũng bỏ qua những khuyến cáo này.

Tuy nhiên, trong gần ba năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm bùng phát ngày một nhiều kèm theo đó ĐBSCL vẫn chưa có hệ thống thủy lợi cho thủy sản mà dùng chung hệ thống thủy lợi cho cây lúa, nên khi có dịch bệnh trên tôm các hộ nuôi cứ thải nước ra kênh, mương còn những hộ khác lại lấy nước từ đây để nuôi tôm trở lại. Do đó, dịch bệnh từ một vài hộ có thể lan ra cả vùng chỉ sau một thời gian ngắn.

“Trong tình hình dịch bệnh trên tôm chưa có dấu hiệu dừng lại thì Tổng cục Thủy sản yêu cầu các hộ nuôi bắt buộc có ao lắng là tốt cho người nuôi”, ông Nhiệm nói.

Có thể, điều kiện có ao lắng mới được nuôi tôi sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân nuôi tôm, song trên thực tế, hiện nay vấn đề của người dân không phải thiếu đất để làm ao lắng như những năm trước mà là thiếu vốn để tiếp tục nuôi tôm.

Hiện Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh có khoảng 22.000 héc ta nhưng mới chỉ thả nuôi khoảng 20%. “Nhiều thành viên của hiệp hội chúng tôi sau mấy vụ mất trắng vì hội chứng tôm chết nhanh đã không còn vốn để nuôi, vì thế, chúng tôi có đất để làm ao lắng như yêu cầu bắt buộc của Tổng cục Thủy sản song chẳng có tôm giống để thả nuôi do không có tiền”, ông Nhiệm nói.

Theo Báo kinh tế Sài Gòn