Long an_Trên 1.000 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng

Cập nhật Tháng Năm 19, 2017

Tổ có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi tôm việc phòng trị bệnh, cải tạo, xử lý ao đầm nuôi bị nhiễm đốm trắng, biện pháp kỹ thuật quản lý chăm sóc tôm nuôi; theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại các vùng nuôi trong tỉnh. Tổ tư vấn kỹ thuật nuôi tôm được đặt tại Trạm Khuyến ngư vùng hạ thuộc Trung tâm Thủy sản. Tổ thực hiện nhiệm vụ trên trong vòng 45 ngày (kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật).

Đầu năm 2010 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm nước lợ được 2.178,53 ha; trong đó tôm sú 1.839,38 ha, tôm thẻ chân trắng 293,15 ha, tôm càng xanh 46 ha. Cần Đước là huyện có diện tích thả nuôi tôm nhiều nhất với 1.341,65 ha, kế đến là Châu Thành 404,6 ha, Cần Giuộc 377 ha, Tân Trụ 55,28 ha. Tính đến ngày 3-3-2010, toàn tỉnh có 1.023,43 ha tôm bị thiệt hại, chiếm khoảng 47% diện tích thả nuôi; trong đó huyện Cần Đước 813,43 ha tập trung nhiều ở các xã Tân Chánh, Tân Ân, Long Hựu Tây; huyện Cần Giuộc có 150 ha tập trung nhiều ở xã Phước Vĩnh Tây; huyện Châu Thành 60 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Cường- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tôm nuôi bị thiệt hại nguyên nhân chủ yếu do con giống kém chất lượng, sức khỏe tôm yếu gặp điều kiện thời tiết, môi trường nuôi không thuận lợi (nắng nóng, ô nhiễm hữu cơ cao, người nuôi không có ao lắng để xử lý) đã làm tôm phát bệnh đốm trắng. Đồng thời, người nuôi xả thải nước ao nuôi bị nhiễm bệnh ra môi trường tự nhiên đã làm mầm bệnh đốm trắng lây lan gây bệnh trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Cường, cho rằng: Cái khó hiện nay là ngành tuyên truyền, vận động người nuôi nếu có tôm bệnh đốm trắng thì sử dụng hóa chất để dập dịch trước khi xả thải ra môi trường, nhưng lại không có nguồn kinh phí để hỗ trợ người nuôi dập dịch nên phần lớn người nuôi xả nước ao nuôi ra môi trường tự nhiên làm cho mầm bệnh lây lan trên diện rộng. Đối với vùng nuôi mà dịch bệnh đốm trắng giảm, ngành khuyến cáo người nuôi nên cải tạo lại ao đầm, lựa chọn con giống tốt qua kiểm dịch và thả nuôi mật độ thưa để nuôi có hiệu quả. Nhưng người nuôi lại chọn con giống không đạt chất lượng, có giá rẻ, từ 15-25 đồng/con để thả nuôi vì tôm giống đạt chất lượng có giá cao. Ngoài ra, một số người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi khi tôm bị bệnh làm cho môi trường nước nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy,  dịch bệnh đốm trắng trên tôm xảy ra ngày càng nhiều và lan rộng sang những vùng phụ cận với tốc độ khá nhanh.

Để hạn chế lây lan dịch bệnh trên tôm nuôi và ổn định sản xuất, ngành Thủy sản khuyến cáo: Người nuôi nên tạm ngưng thả giống từ 20-30 ngày (bắt đầu từ ngày 2 đến 24-3-2010) do điều kiện môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm (đặc biệt là xã Tân Ân, Tân Chánh, huyện Cần Đước), để cắt mầm bệnh đốm trắng lây lan trong môi trường tự nhiên của vùng nuôi và người nuôi có điều kiện cải tạo, xử lý ao đầm nuôi. Đối với ao nuôi không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc ao nuôi nhiều năm bị bệnh đốm trắng thì người nuôi nên chuyển sang nuôi tôm càng xanh, cua biển hoặc các loài thủy sản khác. Còn đối với các ao đang nuôi, người nuôi nên tăng cường sử dụng vitamin C để tăng sức đề kháng; theo dõi chặt chẽ chất lượng môi trường nước trong ao nuôi, giữ màu nước tốt, sử dụng men vi sinh, zeolite để hấp thụ chất độc; hạn chế thay nước, sử dụng ao lắng để xử lý nước trước khi cấp, giữ mực nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5m. Riêng các ao nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng thì người nuôi tập trung cải tạo, xử lý ao đầm, sử dụng hóa chất để xử lý mầm bệnh đốm trắng (tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật) và  thả nuôi lại với mật độ thưa, chọn con giống tốt qua kiểm dịch nhằm bảo đảm cho việc thả nuôi lại thành công.

(Nguồn longan.gov.vn)